Bạn đã bao giờ có ý định du học trong khu vực Đông Nam Á? Đây là một xu thế mới đang hình thành ở cộng đồng sinh viên trẻ Việt Nam. Trong đó, Malaysia là một điểm đến hấp dẫn, nhận được sự quan tâm của đông đảo ứng viên. Dưới đây, Cường sẽ chia sẻ những thông tin quan trọng nhất về du học Malaysia. Các bạn hãy dành thời gian tham khảo để có thêm một gợi ý thú vị trên con đường học thuật nhé!
Du học Malaysia cần bao nhiêu tiền?
Đối với chương trình đào tạo hệ Cử nhân, mỗi sinh viên quốc tế cần đóng học phí khoảng 34.000 – 38.000 RM/năm. Trong khi đó, với hệ Cao học thì mức học phí 1 năm khoảng 42.000 – 54.000 RM. Mức học phí trung bình là 21.000 – 26.000 RM, quy đổi sang dollar Mỹ là 5.250 – 6.500 USD. Những con số này áp dụng cho các trường đại học công lập. Các trường tư thục sẽ thu phí cao hơn, nhất là những chuyên ngành đặc biệt như y khoa.
Nếu bạn muốn du học giá rẻ, Malaysia là gợi ý không thể bỏ qua.
Chi phí sách vở, tài liệu và đồ dùng học tập cũng cần được nhắc đến. Khoản phí này sẽ phụ thuộc vào đặc thù và yêu cầu của từng ngành. Thường thì nó sẽ dao động trong khoảng khoảng 50 – 100 RM (12.5 – 25 USD)/tháng.
Về sinh hoạt phí tại Malaysia thì các bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Như các bạn đều biết, vật giá tại các thành phố lớn thường khá đắt đỏ. Thế nhưng Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia lại thành phố có mức chi phí phù hợp nhất với sinh viên vào năm 2016. Đây là thông số từ bảng xếp hạng QS University Ranking.
Tại Malaysia có nhiều tổ chức hỗ trợ bữa ăn cho sinh viên.
Giá thuê nhà mỗi tháng ước tính khoảng 300 – 600 RM (tương đương 75 – 150 USD). Tùy vào địa điểm, diện tích phòng, số người ở và các tiện nghi mà mức phí có thể hơn hoặc kém.
Tiền ăn thường rơi vào khoảng 600 – 900 RM/tháng (150 – 225 USD).
Ngoài ra, chúng ta không thể không xét đến chi phí liên lạc. Thường thì mỗi sinh viên sẽ tốn 7.5 – 12.5 USD cho khoản phí này.
Nếu tính tất cả các khoản phí thì một du học sinh tại Malaysia sẽ cần khoảng 450 USD cho 1 tháng.
Như vậy, xét về kinh phí du học thì Malaysia đã ghi điểm mạnh mẽ!
Các bạn cần lưu ý thêm một điểm là mọi sinh viên nhập cảnh vào Malaysia đều bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế. Khoản phí này thường là 500 – 850 RM/năm.
Nếu bạn phấn đấu có học bổng thì dưới đây là một số gợi ý hấp dẫn:
Đại học Curtin Malaysia với học bổng Pro Vice-Chancellor International Scholarship: trị giá khoảng 50% học phí. Điều đặc biệt là nó có thể gia hạn 3 – 4 năm tùy vào chương trình học.
Đại học Taylor’s University với học bổng The Luis Palau International Scholarship có giá trị lên tới 10.000 RM.
Du học Malaysia có tốt không?
Ở đây, mình sẽ phân tích trên nhiều khía cạnh khác nhau để thấy được ưu nhược điểm của việc du học Malaysia.
Chỉ số an toàn
Tất cả chúng ta đều mong muốn được học tập và phát triển trong môi trường ổn định, hòa bình. Đây cũng là nguyện vọng chung của các bậc phụ huynh khi có con em du học ở phương xa.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình toàn cầu, Malaysia nằm trong top các quốc gia yên bình nhất Đông Nam Á. Nếu xét trên quy mô thế giới thì Malaysia xếp thứ hạng là 18. Tuy nhiên, dù ở đâu thì cũng có tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, các bạn du học sinh cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Bên cạnh đó, Malaysia là một quốc gia Hồi giáo. Bởi vậy, sinh viên quốc tế nên tìm hiểu kỹ về tập tục, văn hóa để tránh phạm phải những điều cấm kỵ, gây mất thiện cảm.
Mô hình và chất lượng giáo dục của Malaysia
Hệ thống các trường đại học ở Malaysia rất chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, tiêu biểu là nguồn tài nguyên kỹ thuật số. Các thiết bị đều hỗ trợ tối đa cho quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên. Malaysia mạnh tay đầu tư và triển khai các dự án lớn dành riêng cho ngành giáo dục.
Khuôn viên hiện đại, xanh sạch đẹp của trường Đại học Công nghệ Sarawak.
Nhiều cơ sở giáo dục Malaysia liên kết với các trường đại học danh tiếng tại các cường quốc du học Anh, Úc, Mỹ. Tiêu biểu như Đại học Boston của Mỹ, Đại học Birmingham của Anh… Bởi vậy, bằng cấp “made in Malaysia” được công nhận toàn cầu.
Về thứ bậc, có 8 trường đại học Malaysia ghi danh trên bảng xếp hạng top 500 của QS World University năm 2022. Trong đó, Đại học Malaya (UM) xếp hạng cao nhất với vị trí thứ 65. Có thể khẳng định ngôi trường đại học này chuyển mình vô cùng mạnh mẽ khi năm 2019 nó mới chỉ đứng top 87. Đây là thành tích xứng đáng để tự hào!
Đất nước Malaysia có thế mạnh đào tạo ở các lĩnh vực như Truyền thông, Nhà hàng – khách sạn – du lịch – ẩm thực. Ngoài ra còn phải kể đến nhóm ngành Kinh doanh.
Hồ sơ du học Malaysia cần những loại tài liệu nào?
- Đơn đăng ký nhập học
- Thư mời nhập học của cơ sở giáo dục tại Malaysia (Letter of Approval). Loại tài liệu này sẽ do nhà trường lo liệu chứ bạn không thể tự xin. Thời gian xét duyệt và cấp thư thường diễn ra trong vòng 2 tháng.
- 1 ảnh 3.5×4.5 phông nền trắng
- Hộ chiếu còn thời hạn
- Mẫu khai báo sức khỏe
- Bằng tốt nghiệp và bảng điểm cấp 3 hoặc đại học (tùy theo bạn đăng ký học hệ Cử nhân hay Thạc sĩ).
- Chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL…
Ở đây, Cường sẽ chia sẻ thêm về quy trình xin và cấp visa du học Malaysia.
Sau khi xét duyệt và chấp nhận đơn xin học, nhà trường sẽ thay mặt ứng viên gửi hồ sơ xin visa du học Malaysia đến Bộ Xuất nhập cảnh trong nước.
Trong trường hợp thuận lợi, thư đồng ý cấp visa du học cho ứng viên sẽ được Bộ Xuất nhập cảnh Malaysia gửi đến nhà trường.
Nhà trường có nhiệm vụ gửi cho sinh thư thông báo này. Thư chấp thuận cấp visa (VAL) có thời hạn trong vòng 3 tháng. Chính vì vậy, các bạn cần nhanh chóng sắp xếp để xin cấp visa.
Sinh viên sẽ đến Lãnh sự quán Malaysia để đăng ký nhận thị thực nhập cảnh 1 lần (Single-Entry Visa). Thời gian để nhận loại visa này là 5 ngày tại Sài Gòn và 3 ngày tại Hà Nội.
Du học sinh Malaysia có thể làm thêm hay không?
Có một quy định là sinh viên quốc tế tại Malaysia không được làm thêm trong thời gian học dài hạn.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiếm thêm thu nhập vào kỳ nghỉ. Thường thì sinh viên sẽ đăng ký làm part time tại siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trạm xăng. Thời gian làm việc tối đa là 20 giờ/tuần.
Đặc biệt, các bạn cần lưu ý điều này:
Trong ngành khách sạn, sinh viên không được phép làm việc với tư cách nhân viên chăm sóc khách hàng, masage, ca sĩ, nhạc sĩ cùng những công việc bị coi là phạm pháp. Việc làm thêm phải có sự chấp thuận của nhà trường – nơi sinh viên đang theo học. Thêm vào đó, sinh viên và đại diện trường phải báo cáo, nộp đơn tới Sở Di trú.
Từ những giải đáp ở bên trên, mình mong rằng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về du học Malaysia. Quốc gia này là một điểm đến nhiều tiềm năng và cơ hội!
>> Tham khảo video dưới đây nếu bạn muốn có thêm động lực để đến Malaysia học tập: